CÔNG TY CP GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG NHẤT TINH

Cung cấp giải pháp pháp xử lý rác thải lây nhiễm tự động-an toàn

Bất hợp lý khoán rác y tế tính tiền

Thứ 5, 13/12/2018, 14:12 GMT+7

Từ tháng 6, hàng ngàn phòng khám, cơ sở y tế tư nhân tại TP.HCM khi đổ rác phải cân ký để tính tiền phát sinh. Đặc biệt, rác được khoán là 10 kg/tháng/cơ sở, vượt tính thêm nhưng ít hơn thì không nói đến.

Nhiều BV để rác thải y tế bừa bộn, thậm chí là rác thải nguy hại bỏ lẫn trong rác thải tái chế
ẢNH: DUY TÍNH

Quy định lạ lùng trên đang được Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM áp dụng.
Đổ rác phải chờ cân và ký xác nhận

Nhiều phòng khám tư tại TP.HCM phản ánh đến Báo Thanh Niên, họ nhận được thông báo của Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM (Citenco), các công ty dịch vụ công ích các quận huyện kèm hợp đồng thu gom rác mới để ký cho thời gian từ tháng 6 - 12.2018. Hợp đồng mới ghi rõ, khối lượng rác y tế được khoán là 10 kg/tháng/cơ sở. Nếu vượt khoán, phần rác vượt sẽ được nghiệm thu thanh toán bổ sung hàng quý sau.
Đáng lưu ý, hợp đồng ghi rõ trách nhiệm của phía cơ sở y tế: “Phải cử người giao và ký xác nhận khối lượng rác mỗi lần giao. Bảng xác nhận khối lượng rác hằng tháng... Bên B (Citenco - PV) từ chối nhận rác nếu không có người giao và ký xác nhận khối lượng giao”.
Với mức khoán 10 kg rác/tháng, theo hợp đồng, tổng số tiền mỗi phòng khám tư nhân phải trả cho việc thu gom và xử lý rác thải cho Citenco là 510.000 đồng/tháng. Tính 7 tháng từ tháng 6 đến hết năm nay, tổng số tiền là 3.570.000 đồng. Lượng rác vượt quá khối lượng khoán tính theo đơn giá 11.000 đồng/kg.
Giám đốc một phòng khám Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết quy định cân đong lượng rác y tế để tính tiền theo kiểu khoán, rồi vượt mức khoán sẽ được đóng sau với mức hơn gấp đôi giá tiền rác khoán là điều xưa nay chưa từng thấy. “Nếu theo đúng hợp đồng được soạn thảo từ Citenco gửi cho chúng tôi, mỗi lần nhân viên thu gom rác thải y tế phải mang theo cái cân và cân rác rồi bên phòng khám phải có nhân viên chờ để ký vào sổ xác nhận. Đáng nói, thông báo và hợp đồng chỉ được gửi đến cho các cơ sở y tế tư nhân, vậy các cơ sở y tế công chịu sự tác động bởi quy định mới này không? Tại sao việc thu gom rác y tế thôi lại phân biệt cơ sở y tế tư khác công như vậy? Điều này thể hiện sự bất bình đẳng giữa các cơ sở y tế công và tư”, vị này bức xúc.
Theo BS Bùi Yên Trình, chủ một phòng khám ngoài giờ trên đường Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM), từ trước đến nay, mỗi tháng phòng khám của ông trả phí thu gom rác là 165.000 đồng và đóng từng tháng. Nhưng hợp đồng mới phải ký lại với Citenco (thay cho hợp đồng cũ ký với Q.10), phòng khám này phải đóng thêm số tiền 110.000 đồng cho 10 kg rác/tháng, cộng với số phí đóng như trước tổng cộng thành 275.000 đồng/tháng. Đồng thời, phòng khám phải đóng đủ tổng cộng 1.925.000 đồng theo hợp đồng từ tháng 6 - 12.2018.

Rác thải y tế được tập kết tại một số cơ sở y tế
ẢNH: DUY TÍNH

BS Trình phân tích, quy mô của các phòng khám rất khác nhau. Trong đó, phòng khám bệnh ngoài giờ có đặc điểm riêng là làm việc ít thời gian, ít can thiệp bệnh nhân nên số lượng rác y tế rất ít. Ví dụ phòng khám của ông chỉ từ 1 - 2 kg rác y tế/tháng. Vì vậy, việc giao khoán 10 kg rác/tháng là không phù hợp.
“Nếu vượt số lượng đó thì phải đóng thêm tiền nhưng lại không thấy quy định nếu đổ rác ít hơn thì có được trả lại tiền hay không? Hơn nữa, quy định trên lại thu tiền cùng lúc 7 tháng là nhằm mục đích gì trong khi trước đây phí này vẫn thu hằng tháng? Thu một lèo 7 tháng này dựa trên quy định nào?”, BS Trình băn khoăn.

Trái quy định, bất hợp lý

Thực tế, rất nhiều phòng khám tư khám bệnh ngoài giờ có lượng rác thải chỉ vài ba ký mỗi tháng, bằng 1/3 - 1/5 mức rác khoán nhưng vẫn phải đóng số tiền cho cả 10 kg. Chỉ riêng Q.10, có trên 500 cơ sở y tế tư. Khoán thế này, chỉ riêng các cơ sở y tế tư của quận đóng gần 1,8 tỉ tiền rác thải y tế từ nay đến cuối năm, chưa tính khoản vượt ngoài mức khoán. TP.HCM hiện có hơn 6.100 cơ sở y tế tư nhân, nếu đóng theo mức khoán, tổng số tiền rác thải y tế cho lượng cơ sở y tế tư nhân này đóng lên trên 3 tỉ đồng/tháng.
Đáng nói, theo Quyết định 6279 của UBND TP.HCM ban hành vào cuối năm 2017 về kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại, y tế nguy hại trên địa bàn TP.HCM, không có nội dung nào liên quan đến quy định tính tiền rác thải y tế tư nhân theo kiểu khoán như vậy. Chuyên gia môi trường Phan Văn Hiện gọi đùa cách thu này là “khoán 10”, không hợp lý lắm, thậm chí là nguy hiểm nếu đòi hỏi phải có nhân viên mỗi ngày đứng ra canh cân ký rác thải y tế như vậy.
“Rác thải y tế là một ổ bệnh, gồm nhiều mẫu phẩm, vật phẩm... có nguy cơ phát sinh ô nhiễm truyền lan các dịch bệnh khác nếu cứ phải tiếp xúc gần và cận kề thường xuyên. Thế nên, việc thu gom loại rác thải độc hại này phải hết sức gọn gàng, kín đáo và đòi hỏi kỹ thuật chặt chẽ. Có rất nhiều cách để ước lượng lượng rác thải đó bằng thùng, khung hay bao bì nén ước khối lượng thay vì cân phải mất thời gian tiếp xúc cận kề chất độc hại lâu hơn, không tốt cho người đi thu gom lẫn nhân viên phòng khám”, chuyên gia Phan Văn Hiện nói và cho rằng quy định cân ký với rác thải y tế coi chừng lại phản tác dụng. Bởi có thể để tránh bị đóng quá mức khoán, người ta có thể chuyển rác từ thùng rác y tế sang rác sinh hoạt bình thường để đối phó với hình thức cân ký đó. Như vậy, nỗ lực bảo vệ môi trường và xử lý rác thải độc hại khó khăn hơn.
“Cơ quan quản lý rác thải y tế có hướng dẫn cụ thể hơn với đơn vị thu gom. Không thể giao cho một đơn vị thu gom rác kiểu khoán rồi thu số tiền vượt khoán cao hơn gấp đôi kiểu như phạt vậy”, ông Hiện nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nhận định: Việc khoán số lượng rác thải và thu tiền trước 7 tháng là chưa hợp lý. Điều này cũng hoàn toàn trái với nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự. Bởi bản chất của hợp đồng là phải có sự thỏa thuận của hai bên và dựa trên khối lượng công việc thực tế, làm đến đâu thu tiền đến đó. Quy định như trên cũng dễ phát sinh ra các tiêu cực như các cơ sở y tế "giấu" rác thải, chuyển sang rác sinh hoạt... Đây cũng không phải là hoạt động kinh doanh với mục tiêu có lãi mà là hoạt động công ích. Vì vậy hợp đồng dịch vụ cần phải rõ ràng, minh bạch để tạo sự đồng thuận của người dân. Như vậy mục tiêu xã hội hóa các hoạt động này mới đạt hiệu quả.

Nguồn: thanhnien.vn

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc