CÔNG TY CỔ PHẦN GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG NHẤT TINH

Sở Y tế Hải Dương ra văn bản chỉ đạo sau khi MT&ĐT phản ánh

Thứ 2, 18/02/2019, 09:02 GMT+7

Mới đây, Sở Y tế Hải Dương đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường. Liệu sau chỉ đạo này các đơn vị có thực hện đúng theo quy định?

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có loạt bài viết liên quan đến việc buông lỏng quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương, điển hình như Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng, Trung tâm Y tế huyện Bình Giang và Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương đều để xảy ra tình trạng rác thải y tế lẫn trong rác sinh hoạt.

Nhiều trung tâm y tế ở Hải Dương để xảy ra tình trạng rác y tế lẫn trong rác sinh hoạt.

Sau khi nhận được phản ánh, Sở Y tế Hải Dương đã đề nghị các bệnh viện, trung tâm y tế này làm báo cáo giải trình. Đồng thời để tăng cường quản lý chất thải y tế và bảo vệ môi trường, Sở Y tế Hải Dương yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nội dung như:

Tăng cường quản lý chất thải y tế trong bệnh viện theo quy định hiện hành và theo đúng Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án bảo vệ môi trường của bệnh viện. Thực hiện quản lý, xử lý chất thải rắn y tế đúng theo quy định. Tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý chất thải rắn y tế. Xử lý nghiêm các khoa phòng, cá nhân không thực hiện việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế theo quy định hiện hành.

Trước tình trạng trên, Sở Y tế Hải Dương công văn yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường quản lý chất thải y tế và bảo vệ môi trường.

Thường xuyên vận hành hệ thống xử lý nước thải, hệ thống xử lý chất thải rắn (nếu có). Định kỳ kiểm tra, giám sát tình trạng hoạt động của hệ thống xử lý chất thải của bệnh viện, đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý để kịp thời khắc phục những sự cố.

Sở Y tế Hải Dương yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục phổ biến, hướng dẫn kịp thời các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế của bệnh viện cho cán bộ, nhân viên của cơ sở y tế. Tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế. Tổ chức tuyên truyền cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về quản lý chất thải y tế khi đến cơ sở khám, điều trị.

Giao trách nhiệm chính về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường cho một khoa, phòng cụ thể, phân công hoặc bổ nhiệm (nếu có thể) một cán bộ phụ trách về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường giúp Giám đốc bệnh viện. Hàng năm bố trí kinh phí để mua sắm các dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, nơi lưu giữ tạm thời chất thải trong bệnh viện đúng chủng loại.

Cơ sở y tế nào để xảy ra vi phạm trong quản lý chất thải y tế làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị và của ngành thì người đứng đầu đơn vị và trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cũng như cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở Y tế.

Như đã thông tin trước đó, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Cục Quản lý môi trường y tế đã có văn bản đề nghị các Sở Y tế (trong đó có cả Sở Y tế Hải Dương) khẩn trương tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).

Những vi phạm của Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng, Trung tâm Y tế huyện Bình Giang và Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương đã quá rõ ràng, thế nhưng các cơ sở y tế này vẫn chỉ bị xử lý ở mức độ nhắc nhở, cắt thi đua khen thưởng.

Hầu hết các cơ sở y tế có vi phạm đều bị xử lý ở mức độ nhắc nhở, cắt thi đua khen thưởng.

Được biết, tại khoản 6, Điều 21 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau trong trường hợp các chất thải nguy hại không cùng tính chất, không cùng phương pháp xử lý hoặc để lẫn chất thải nguy hại với chất thải khác. Cụ thể:

a) Phạt cảnh cáo đối với vi phạm lần đầu và phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần đối với trường hợp để chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ đơn chiếc, thiết bị đơn chiếc vào chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp để lẫn từ 02 đến dưới 05 chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ đơn chiếc, thiết bị đơn chiếc hoặc dưới 10% khối lượng chất thải nguy hại khác loại vào các bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại khác hoặc nhóm chất thải nguy hại khác có cùng tính chất, phương pháp xử lý hoặc để vào chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường;

c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp để lẫn từ 05 đến dưới 10 chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ đơn chiếc, thiết bị đơn chiếc hoặc từ 10% đến dưới 50% khối lượng chất thải nguy hại khác loại vào các bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại khác hoặc nhóm chất thải nguy hại khác có cùng tính chất, phương pháp xử lý hoặc để vào chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường;

d) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp để lẫn từ 10 chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ đơn chiếc, thiết bị đơn chiếc trở lên hoặc từ 50% khối lượng chất thải nguy hại khác loại trở lên vào các bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại khác hoặc nhóm chất thải nguy hại khác có cùng tính chất, phương pháp xử lý hoặc để vào chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường.

Nguồn: moitruongvadothi.vn

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc