Hỗ trợ khách hàng
0918 072 181
Hỗ trợ kỹ thuật
0918 072 181
Hiện nay, chất thải y tế là nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống, nếu không được xử lý đúng quy trình sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố gây nguy hại đến sức khoẻ của con người. Thực tế cho thấy lâu nay việc quản lý rác thải y tế vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Quản lý chất thải y tế vẫn còn nhiều khoảng trống. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Thiếu đầu tư kỹ thuật
Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cả nước hiện có hơn 13.500 cơ sở y tế, trong đó có gần 1.400 cơ sở y tế từ hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Hằng ngày, các cơ sở y tế thải ra khoảng 450 tấn rác, trong đó có 47 tấn chất thải rắn nguy hại và hơn 125.000m3 nước thải cần được xử lý đặc thù. Đó là chưa kể đến một lượng rác khổng lồ từ hơn 1.000 cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở đào tạo y dược, sản xuất thuốc, y tế tư nhân. Chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế phát sinh từ các nguồn thải nhỏ và chưa được khảo sát, bao gồm chất thải lây nhiễm (sắc nhọn, không sắc nhọn, lây nhiễm cao, mô bệnh phẩm); chất thải hóa học thường gặp trong y tế như: Dược phẩm bị hỏng hoặc quá hạn, hoá chất khử trùng, hoá chất chứa kim loại nặng và các bình chứa áp suất; hoá chất gây độc tế bào, chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động chẩn đoán và điều trị các bênh lý khác…
Hiện đa phần các lò đốt xử lý chất thải rắn y tế hiện nay đang sử dụng ở các bệnh viện đều đã cũ, xuống cấp, thiếu linh kiện để thay thế, không được bảo dưỡng định kỳ khiến việc xử lý chất thải bằng lò đốt tiềm tàng nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Một số bệnh viện có các thông số không đạt tiêu chuẩn, cụ thể là: SO2, CO, NOx, bụi…
Như vậy, hằng ngày, hằng giờ vẫn còn lượng chất thải rất lớn đến từ các bệnh viện chưa được xử lý xả thải ra môi trường, là nguồn lây nhiễm nhiều bệnh tật nguy hiểm. Tuy nhiên, việc đầu tư, quản lý các nguồn lực cho hệ thống xử lý chất thải tại các cơ sở y tế còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Thậm chí, tại một số bệnh viện, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này.
Nghiên cứu độc lập được Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) triển khai tại gần 100 bệnh viện trên cả nước năm 2018 cho thấy: tồn tại lớn nhất trong công tác xử lý chất thải y tế chính là khâu vận hành, quản lý. Việc để các bệnh viện tự bố trí các cán bộ không có chuyên môn vận hành hệ thống xử lý chất thải, nước thải thì rất khó có thể bảo đảm các chỉ tiêu đầu ra đạt chuẩn. Không chỉ vậy khi sử dụng bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong công việc vận hành xử lý chát thải y tế mà chưa đảm bảo về chuyên môn thì sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Hơn nữa, khi tiến hành kiểm tra việc xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện, lực lượng chức năng vẫn còn cả nể, chưa xử phạt nặng đúng theo quy định.
Buông lỏng giám sát
Trong Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của liên Bộ Y tế và Tài nguyên & Môi trường quy định rõ về việc phân loại, thu gom, xử lý: “Chất thải lây nhiễm sắc nhọn: Đựng trong thùng hoặc hộp có màu vàng; Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom; Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải lây nhiễm phải có nắp đậy kín và chống được sự xâm nhập của các loài động vật”.
Thế nhưng ghi nhận ngay tại Thủ đô, rất nhiều bệnh viện, cơ sở y tế, thẩm mỹ viện đã để chung rác thải y tế với rác thải sinh hoạt, tất cả bọc trong một túi đen kín. Thệm chí nhiều cơ sở khám chữa bệnh còn tuồn rác thải y tế ra môi trường, trà trộn với rác thải sinh hoạt.
Trước thực tế công tác quản lý chất thải y tế tại một số đơn vị y tế trong và ngoài công lập còn buông lỏng, nhiều tồn tại, khó khăn cần phải khắc phục, mới đây Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập, phòng y tế của các quận, huyện, thị xã tăng cường thực hiện quản lý chất thải y tế.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị y tế trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của liên Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên & Môi trường quy định về quản lý chât thải; hoàn thiện các thủ tục pháp lý về quản lý chất thải y tế và bảo vệ môi trường; rà soát, bổ sung, xây dựng các quy định, quy trình quản lý chất thải y tế tại các đơn vị; tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ tạm thời và xử lý chất thải y tế theo quy định. Đảm bảo nước thải y tế được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Phân công rõ người chịu trách nhiệm quản lý trong từng công đoạn thu gom, khu vực lưu giữ vận chuyển, xử lý chất thải y tế tại đơn vị. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế.
Đối với phòng y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế yêu cầu kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất hoạt động quản lý chất thải, bảo vệ môi trường tại cơ sở y tế trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Phối hợp với Phòng Tài nguyên Môi trường, công an trên địa bàn để kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế...
Như vậy, yêu cầu về xử lý rác thải y tế đã được đặt ra cấp bách từ rất lâu, nhưng việc chấp hành quy định cũng như việc giám sát thực hiện những quy định về quản lý rác thải y tế vẫn đang còn bỏ ngỏ. Liệu một văn bản chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội có đủ sức mạnh để siết quản lý rác thải y tế trên địa bàn?
0918 072 181
0918 072 181