Hỗ trợ khách hàng
0918 072 181
Hỗ trợ kỹ thuật
0918 072 181
Từ chỗ xả thẳng nước thải bệnh viện ra môi trường, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm, nay nhiều bệnh viện trên cả nước đã sử dụng chính nước thải bệnh viện đã qua xử lý để tưới cây, rau và cả nuôi cá, cải thiện dinh dưỡng cho cán bộ công nhân viên bệnh viện.
Sau 5 năm triển khai dự án “Hỗ trợ Xử lý Chất thải Bệnh viện”- Bộ Y tế vay vốn Ngân hàng Thế giới, đã có hơn 200 bệnh viện trên cả nước áp dụng cơ chế tài chính mới: đầu tư dựa trên kết quả.
Cụ thể, bệnh viện có quyền lựa chọn và phải chứng minh được rằng hệ thống quản lý chất thải y tế được đầu tư đạt quy chuẩn Việt Nam thông qua một quá trình kiểm định độc lập với các tiêu chí như: công nghệ không đốt thân thiện với môi trường, khử khuẩn và nghiền cắt chất thải cho tới khi chúng không còn nguy hại như chất thải sinh hoạt; nước thải được xử lý đủ sạch để bệnh viện có thể tái sử dụng cho mục đích khác như tưới cây.
Theo đó, nhiều bệnh viện trên cả nước đã xem dự án như một cơ hội lớn để cải thiện cảnh quan, góp phần quan trọng trong việc xây dựng thành công bệnh viện Xanh - Sạch - Đẹp đang được Bộ Y tế triển khai.
Khu vực nước thải đã qua xử lý của bệnh viện Đa khoa Giá Rai
Đến nay, những bệnh viện có cảnh quan đẹp như công viên, với ao nuôi cá, khu vực trồng rau, khuôn viên trồng hoa, cây cảnh, cây ăn trái xanh mát… sử dụng chính nguồn nước thải bệnh viện đã qua hệ thống xử lý chất thải do chính bệnh viện đầu tư là bệnh viện Đa khoa Giá Rai (Bạc Liêu), bệnh viện Đa khoa Phước Long (Bạc Liêu); bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bệnh viện Nhi Hải Dương, Bệnh viện ĐK Hữu Nghị Nghệ An...
Nhiều bệnh viện khác có khuôn viên hạn chế lại tận dụng chính khu vực xử lý chất thải y tế thành một khu vực xanh, sạch như Bệnh viện Y học cổ truyền Bến Tre, Bệnh viện Ba Tri, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, BV Nhi Thanh Hóa, BV Tĩnh Gia, BV Triệu Sơn…
Đáng chú ý, việc giám sát chất lượng nước thải bệnh viện sau khi xử lý được các bệnh viện này rất chú trọng, thể hiện qua những việc làm cụ thể như nuôi cá, tưới rau, tưới cây cối trong khuôn viên bệnh viện Giá Rai, Phước Long…
Khu vực xử lý nước thải của Viện Bỏng quốc gia
Đặc biệt, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội) là bệnh viện đầu tiên sử dụng hệ thống giám sát và điều khiển hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ Nhật Bản. Hệ thống này được thiết kế công nghiệp quan trắc tự động bằng các cảm biến do truyền dữ liệu online về máy chủ điều khiển đồng bộ cùng phần mềm giám sát SCADA cho phép giám sát và theo dõi chất lượng nước, cảnh báo bằng còi và đèn khi hệ thống xảy ra lỗi.
Đây là hệ thống tiên tiến được Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ Xử lý Chất thải Bệnh viện đánh giá cao và là đơn vị duy nhất trên 200 đơn vị được đầu tư áp dụng công nghệ này cho đến nay. Chất lượng nước thải từ Viện Bỏng sau khi đi qua hệ thống xử lý đã được Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế và Phòng Hóa môi trường - Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên xét nghiệm và đánh giá đạt quy chuẩn quy định.
Như vậy, cùng với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án "Hỗ trợ Xử lý Chất thải Bệnh viện" vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) thêm 2 năm (đến hết ngày 30/8/2019), người dân sẽ có thêm nhiều bệnh viện xanh, sạch, đẹp, an toàn cho bệnh nhân, cán bộ y tế và cộng đồng.
0918 072 181
0918 072 181