Hỗ trợ khách hàng
0918 072 181
Hỗ trợ kỹ thuật
0918 072 181
Truyền thông trong công tác quản lý chất thải y tế nói riêng và bảo vệ môi trường (BVMT) trong cơ sở y tế nói chung đóng vai trò quan trọng nhằm tránh được sự phơi nhiễm cho nhân viên y tế và cộng đồng. Để công tác truyền thông đạt hiệu quả thì người lãnh đạo cơ sở y tế có vai trò quyết định trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về BVMT và thu hút được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh. Để tìm hiểu về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Bá Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
PV: Được biết Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là một trong những cơ sở y tế rất tích cực trong việc xây dựng bệnh viện “xanh - sạch - đẹp”, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của bệnh viện trong việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thu hút sự tham gia và hưởng ứng tích của nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân?
Ông Phạm Bá Hiền: Có thể nói, hoạt động truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi hành vi và nhận thức của nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong quản lý chất thải y tế và giữ gìn vệ sinh môi trường bệnh viện. Mục tiêu phát triển của bệnh viện không ngoài mục đích đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của người bệnh khi đến khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện, do vậy xây dựng môi trường bệnh viện “xanh - sạch - đẹp” là tiêu chí mà chúng tôi hướng đến và luôn chú trọng.
Để đạt được kết quả như hiện nay, bệnh viện đã phát động rất nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như phát động phong trào “Tết trồng cây - Vì một môi trường bệnh viện xanh - sạch - đẹp", với kết quả 100% các tổ công đoàn tham gia đóng góp 116.800.000 đồng để mua cây trồng, tạo cảnh quan bệnh viện thêm xanh, sạch, đẹp và thể hiện tinh thần gắn bó, đoàn kết trong bệnh viện. Bên cạnh đó,
Để thu hút sự tham gia và hưởng ứng tích cực của nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, bệnh viện đã thực hiện treo băng rôn, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền tại các địa điểm như khu vực tiếp đón người bệnh tại khoa Khám bệnh, hành lang các phòng bệnh với chủ đề “Cộng đồng chung tay xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh”, Hãy hành động vì một môi trường không rác”, “Rửa tay để bảo vệ cuộc sống của bạn và người bệnh”, Bảo vệ sự sống, hãy vệ sinh tay”...
Ông Phạm Bá Hiền (phải) và đại diện lãnh đạo Công đoàn ngành y tế Hà Nội tham gia trồng cây tại Lễ phát động Tết trồng cây năm 2017
Bên cạnh các hoạt động mang tính phong trào, bệnh viện còn phân công Phòng Điều dưỡng và điều dưỡng trưởng các khoa, phòng tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi cho người bệnh, người nhà người bệnh trong các buổi sinh hoạt và họp Hội đồng người bệnh về quản lý và phân định chất thải, hạn chế sử dụng túi nilon trong việc thu gom chất thải, giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định đóng góp chung làm cho thế giới sạch hơn bằng hành động thiết thực.
PV: Bên cạnh việc xây dựng bệnh viện “ xanh - sạch - đẹp”, thì công tác quản lý chất thải y tế của bệnh viện được triển khai như thế nào và giải pháp của bệnh viện trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Phạm Bá Hiền: Là đơn vị trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện công tác chỉ đạo tuyến và hoạt động của chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm, nên công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện nói chung, cũng như việc phân loại, thu gom xử lý chất thải y tế luôn được Lãnh đạo bệnh viện quan tâm hàng đầu. Bệnh viện đã thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định pháp luật về quản lý chất thải và BVMT như được Sở TN&MT Hà Nội cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, Giấy phép xả thải nước thải vào nguồn nước; Bệnh viện cũng ký hợp đồng với Công ty CP Môi trường đô thị và Công nghiệp 13 - URENCO 13 để vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại.
Đối với công tác quản lý chất thải y tế, bệnh viện thực hiện nghiêm túc quy định của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT về quản lý chất thải y tế. Tại các khoa, phòng, chất thải rắn được phân loại và đựng trong các túi, thùng có mã mầu đúng quy định (xanh, vàng, trắng…). Chất thải y tế nguy hại được phân loại, thu gom và vận chuyển về khu tập trung 1-2 lần/ngày và có sổ theo dõi, bàn giao hàng ngày cho khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, bệnh viện thường xuyên phổ biến, hướng dẫn phân loại, thu gom, xử lý chất thải y tế theo Thông tư số 58/2015/TTLT- BYT-BTNMT cho 100% cán bộ, nhân viên y tế; duy trì công tác kiểm tra, giám sát việc phân loại, thu gom chất thải tại các khoa phòng; xây dựng Bảng tóm tắt Quy định phân định chất thải rắn y tế và treo tại nơi để các thùng đựng chất thải; thực hiện quan trắc tác động môi trường từ hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện (3 tháng/lần) và các chỉ số đạt chỉ tiêu QCVN 28: 2010/BTNMT.
Mặt khác, Bệnh viện tổ chức các hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Ngày Môi trường thế giới 5/6/2018 với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”. Hưởng ứng tích cực bằng những việc làm cụ thể, Bệnh viện cũng đã có sáng kiến “Giảm chi phí trong việc thu gom chất thải tái chế (thu gom vỏ chai nhựa huyết thanh)”. Theo đó, các vỏ chai bằng dây truyền được buộc lại với nhau và không dùng túi ni lông trắng để thu gom. Kết quả đã giảm thiểu một khối lượng lớn túi ni lông thải ra môi trường (>280kg/năm).
Để đẩy mạnh hoạt động truyền thông về quản lý chất thải y tế, trong thời gian tới Bệnh viện Đa khoa Đống Đa tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông về mục đích, ý nghĩa của công tác BVMT và quản lý chất thải y tế đến nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng vì môi trường bệnh viện “Xanh - Sạch - Đẹp” bằng các hình ảnh, bài viết sinh động; duy trì đồng thời áp dụng các hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với lãnh đạo, cán bộ, nhân viên trong việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế, thực hiện bệnh viện “xanh - sạch - đẹp”.
Nguồn: tapchimoitruong.vn
0918 072 181
0918 072 181