CÔNG TY CP GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG NHẤT TINH

Cung cấp giải pháp pháp xử lý rác thải lây nhiễm tự động-an toàn

Giải pháp quản lý chất thải y tế phù hợp cho vùng ngập lụt

Thứ 4, 25/10/2017, 13:20 GMT+7

Vào mùa lũ, các cơ sở y tế tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường bị ngập một phần hoặc toàn bộ. Điều này đã gây không ít khó khăn trong công tác quản lý chất thải tại các cơ sở y tế. Do vậy, cần xây dựng kế hoạch quản lý chất thải y tế phù hợp cho vùng ngập lụt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chị Châu Võ Thị Diễm Thúy – Phó Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp giới thiệu khu xử lý chất thải của bệnh viện. Ảnh: Thanh Hà

Thách thức trong xử lý chất thải y tế mùa mưa lũ:

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngập lụt tại Việt Nam. Cùng với điều kiện tự nhiên, mùa mưa lũ tại khu vực này thường kéo dài khoảng 4 tháng (từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm) nên thường gây ra úng ngập trên diện rộng. Mực nước ngập trung bình tại khu vực này từ 30-50cm, có nơi ngập sâu đến 100cm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý chất thải tại các cơ sở y tế.

Nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua các cơ sở y tế đã có nhiều phương án dự phòng để chống ngập lụt vào mùa mưa lũ, tuy nhiên do sự bất thường của thời tiết cùng với lũ đầu nguồn về nhanh làm cho cơ sở vật chất, khu vực lưu giữ và khu vực xử lý rác thải y tế bị ngập úng; túi, thùng đựng chất thải y tế bị nước cuốn trôi. Điều này làm cho công tác thu gom chất thải y tế gặp nhiều khó khăn, làm tăng chi phí bảo dưỡng thiết bị, mua sắm dụng cụ, túi thùng đựng chất thải y tế.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bến Tre: Hiện nay hệ thống xử lý chất thải y tế tại hầu hết các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều đã được xây trên nền đất cao để tránh ngập lụt. Nhưng trên thực tế, trước hiện tượng khí hậu khó lường thì việc này chưa đáp ứng đủ cho phương án dự phòng. Chẳng hạn như trong trận lũ lịch sử những năm 2000 đã có 2/3 bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bến Tre rơi vào tình trạng ngập lụt và việc thực hiện phân loại, thu gom chất thải y tế gặp rất nhiều khó khăn do mực nước dâng rất cao. Do đó, các bệnh viện cần xây dựng kế hoạch quản lý chất thải y tế phù hợp, ứng phó với tình huống ngập lụt vào mùa lũ.

Giải pháp ứng phó với tình huống lũ, lụt:

Ảnh hưởng lũ, lụt tới bệnh viện có thể coi là một tình huống khẩn cấp và cần sự ứng phó của bệnh viện và các bên liên quan. Do đó, các bệnh viện vùng ngập lụt vào mùa mưa cần xây dựng kế hoạch quản lý chất thải y tế phù hợp, ứng phó với tình huống lũ, lụt. Ngoài ra, việc thành lập một đơn vị ứng phó ngập lụt tại các bệnh viện là rất cần thiết, đơn vị này sẽ có trách nhiệm: Xây dựng các bước chuẩn bị, ứng phó khi ngập lụt xảy ra. Xác định nhu cầu đào tạo; Tổ chức thử nghiệm, kiểm tra hoặc diễn tập thường kỳ. Thực tế cho thấy rất nên giao công tác này cho bộ phận Kiểm soát nhiễm khuẩn trong mỗi bệnh viện. Bộ phận này có trách nhiệm xây dựng, triển khai kế hoạch ứng phó với ngập, lụt. Khi xảy ra sự cố ngập lụt, cần phải có nhóm hiện trường. Các cán bộ của nhóm này phải được tập huấn thường xuyên, bài bản. Ngay khi có hiện tượng ngập lụt xảy ra, thành viên nhóm hiện trường được điều động ngay tới khu vực lưu giữ, xử lý chất thải y tế để thực hiện các hoạt động ứng phó phù hợp.

Mô hình điểm về xử lý chất thải y tế vùng ngập lụt:

Qua khảo sát thực tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp, phóng viên chúng tôi đã gặp và trao đổi với chị Châu Võ Thị Diễm Thúy - Phó khoa Chống nhiễm khuẩn.

Chị Thúy cho biết: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp cũng nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt cao, do vậy khu xử lý chất thải y tế nguy hại được ưu tiên đặt tại một khoảng đất cao, rộng trong khuôn viên của bệnh viện. Tại khu vực xử lý chất thải y tế có bố trí cả nơi ăn nghỉ dành cho nhân viên vận hành. Đây được coi là bệnh viện “kiểu mẫu” với quy trình xử lý chất thải y tế tương đối bài bản với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Hai công nghệ xử lý chất thải y tế nguy hại được áp dụng đồng thời tại bệnh viện là công nghệ không đốt (sử dụng thiết bị vi sóng xử lý chất thải lây nhiễm) và công nghệ đốt (sử dụng lò đốt xử lý chất thải nguy hại không lây nhiễm). Điều đáng ghi nhận tại đây là hai nhân viên vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế không phải là thợ điện hay bảo vệ kiêm nhiệm như thường gặp tại một số bệnh viện khác mà họ có chuyên môn về môi trường và đã được đào tạo, tập huấn bài bản về quản lý chất thải y tế và vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế. Theo quan sát của chúng tôi, vị trí đặt thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại rất hợp lý, đã được bệnh viện tính toán kỹ lưỡng để thích ứng với trường hợp ngập lụt mùa lũ, đồng thời cũng được bố trí nằm biệt lập hẳn với khu khám, chữa bệnh của bệnh viện.

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc