CÔNG TY CP GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG NHẤT TINH

Cung cấp giải pháp pháp xử lý rác thải lây nhiễm tự động-an toàn

Nâng cấp, đổi mới công nghệ xử lý rác

Thứ 2, 25/12/2017, 10:50 GMT+7

Nâng cấp, đổi mới công nghệ xử lý rác

Phương thức xử lý chất thải rắn hiện nay tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu là chôn lấp, dẫn đến những hạn chế như: lãng phí tài nguyên đất, tài nguyên rác, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Ðể giải quyết thực trạng này, thành phố đang kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia nâng cao, đổi mới công nghệ xử lý rác.

Công nghệ xử lý chất thải lạc hậu làm phát sinh khí thải nguy hiểm.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt hằng ngày phát sinh trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 8.700 tấn, chất thải rắn công nghiệp khoảng 1.500 - 2.000 tấn/ngày. Trong đó, khối lượng chất thải nguy hại 350 - 400 tấn/ngày và 22 tấn/ngày chất thải rắn y tế. Phương pháp xử lý chất thải rắn hiện nay chủ yếu là chôn lấp. Giải pháp này bộc lộ những hạn chế như lãng phí tài nguyên đất, tài nguyên rác, ảnh hưởng đến môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí… Mục tiêu thành phố đặt ra là đến năm 2020, tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa là 20%. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Chất thải rắn hiện đang được thu gom, vận chuyển về hai khu liên hợp xử lý là: Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Ða Phước, tiếp nhận 5.500 tấn/ngày và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi, tiếp nhận 3.100 tấn/ngày. Thành phố đang kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề công nghệ, nghiên cứu phương án đầu tư để xử lý cả lượng rác thải đã chôn lấp từ trước đến nay của thành phố.
Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định: Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, có nhiều lĩnh vực Nhà nước không cần đầu tư, giao lại cho doanh nghiệp tham gia việc xã hội hóa đầu tư. Thành phố sẽ bảo đảm cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư một cách công khai, minh bạch, có những chính sách ưu đãi để nhà đầu tư an tâm làm ăn lâu dài và đạt kết quả tốt. Thành phố cũng đã triển khai các giải pháp đồng bộ trong duy tu, bảo dưỡng bãi chôn lấp chất thải sau khi ngưng tiếp nhận, khuyến khích xã hội hóa việc tái chế, sản xuất điện năng từ các bãi chất thải đã được chôn lấp trong các năm qua, ưu tiên giải pháp tái sử dụng bãi chôn lấp đã đóng bãi phục vụ lợi ích cộng đồng. Ðề nghị các nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động khẩn trương đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp đổi mới công nghệ. Ðối với đề xuất của các nhà đầu tư mới, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ một số đặc điểm về tính chất, thành phần của rác thải, điều kiện địa chất… và đề xuất xây dựng những nhà máy xử lý rác hiện đại, đạt tiêu chuẩn như mong muốn.
Nói về công nghệ xử lý, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Công nghệ Petech Phan Trí Dũng cảnh báo: Trên nguyên tắc, muốn giảm khí thải độc hại từ đốt rác thì nhiệt độ phải trên 1.200 0C. Nếu không sử dụng công nghệ hiện đại, lại đốt gian dối thì nguy cơ "lãnh" khí thải độc hại sẽ rất cao. Ðể đẩy mạnh xử lý rác bằng công nghệ hiện đại, thành phố đang kêu gọi các nhà đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt tạo nhiệt năng phát điện. Khoảng 34 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đề xuất những dự án cải tạo bãi chôn lấp, xử lý rác thải y tế bằng công nghệ đốt phát điện. Trong đó, có các nhà đầu tư nước ngoài như: Trisun Green Energy Corporation, Hitachi Zosen (Nhật), Liên danh Keppen - Tiến Phước (Xin-ga-po), Navovo Energy Inc (Ca-na-đa), Sudokwon SLC (Hàn Quốc)…
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Bình Phước Ðồng Minh Toàn cho biết, đơn vị đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng cho Công ty TNHH Thủy lực - Máy, thực hiện dự án thí điểm tại bãi rác Gò Cát. Theo tính toán, mỗi kW giờ điện được mua với giá khoảng 2.200 đồng, cộng với nguồn thu từ xử lý chất thải công nghiệp, thì khả năng thu hồi vốn rất khả thi. Ðơn vị này sẽ tiếp tục đầu tư để nâng công suất xử lý rác tại bãi rác Gò Cát lên 1.000 tấn/ngày. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết: Dự kiến đầu năm 2018, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu minh bạch, công khai để lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến xử lý rác thải. Thành phố khẳng định, từ thời điểm này, các sở, ngành liên quan hướng dẫn nhà đầu tư để có thể tham gia đấu thầu nhằm thu hút đông đảo nhất các nhà đầu tư có tiềm lực trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn.
Theo dự báo, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố sẽ tăng 5%/năm (năm 2020 là 10.081 tấn/ngày và năm 2025 là 12.864 tấn/ngày), chất thải rắn công nghiệp tăng 6%/năm (năm 2020 là 1.922 tấn/ngày và năm 2025 là 2.497 tấn/ngày), chất thải nguy hại tăng 8%/năm (năm 2020 là 549 tấn/ngày và năm 2025 là 807 tấn/ngày), chất thải rắn y tế tăng 10%/năm (năm 2020 là 30 tấn/ngày và năm 2025 là 50,5 tấn/ngày).

Nguồn: nhandan.com.vn

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc