CÔNG TY CỔ PHẦN GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG NHẤT TINH

Xử lý chất thải y tế nguy hại bằng công nghệ mới

Thứ 2, 16/10/2017, 13:02 GMT+7

Trước đây phần lớn chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Điện biên được xử lý bằng phương pháp chôn lấp dưới bể bê tông hoặc sử dụng công nghệ lò đốt gây mùi hôi, khét và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Để giảm thiểu ô nhiễm trường và đảm bảo an toàn cho cộng đồng, tỉnh Điện Biên đã xây dựng kế hoạch xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế và ứng dụng công nghệ xử lý bằng phương pháp tiệt trùng ở nhiệt độ cao kết hợp cắt nghiền.
Theo ước tính của Ngành Y tế tỉnh Điện Biên, trung bình mỗi ngày có khoảng gần 400kg khối lượng chất thải y tế nguy hại được thải ra từ các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực...Lượng chất thải y tế nguy hại này đang được xử lý theo mô hình tại chỗ, các công trình xử lý chất thải y tế đều được đặt trong khuôn viên các bệnh viện.
Trước đó, tỉnh Điện Biên có 8 cơ sở y tế được trang bị sử dụng lò đốt chất thải y tế nguy hại (trong đó có 3 bệnh viện tuyến tỉnh và 5 bệnh viện tuyến huyện). Còn lại phần lớn các bệnh viện, cơ sở y tế khác chưa được đầu tư lò đốt, do đó chất thải y tế nguy hại được xử lý bằng lò đốt thủ công hoặc theo phương pháp chôn lấp dưới các bể xây bê tông.

Bể chôn lấp chất thải y tế nguy hại của Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng

Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng – cơ sở y tế tuyến huyện vừa được đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng, hoàn thiện giai đoạn 1 và đi vào hoạt động từ tháng 5/2016 đến nay. Trung tâm có 12 khoa, phòng với 80 giường bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho khoảng 50.000 lượt người dân địa phương. Khuôn viên và môi trường mới của Trung tâm khá khang trang, sạch sẽ.
Tuy nhiên, công tác quản lý, xử lý chất thải y tế nguy hại của Trung tâm còn tồn tại nhiều khó khăn. Hiện Trung tâm chưa được đầu tư lò đốt hay bất kỳ phương pháp tiên tiến nào để xử lý lượng chất thải y tế nguy hại.
Trong khi đó, trung bình một ngày các phòng khoa của Trung tâm thải ra từ 13 – 15kg chất thải nguy hại, gồm các loại bơm kim tiêm, kim châm cứu, lưỡi cưa phẫu thuật, lưỡi dao mổ... các chất thải sau giải phẫu, thiết bị y tế vỡ hỏng đã qua sử dụng. Cách xử lý đối với loại rác thải nguy hại này được cán bộ Trung tâm phân loại ngay từ nơi phát sinh, sau đó thu gom và chôn lấp dưới các bể bê tông đặt chìm dưới lòng đất sâu khoảng 1,5m.

Bác sĩ Phạm Thị Hường, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng cho biết: Về lâu dài, xử lý chất thải nguy hại bằng phương pháp chôn lấp sẽ không đảm bảo và phù hợp với môi trường. Hiện tại, các ngăn chứa của bể bê tông đều đã gần đầy, khả năng chứa thêm chất thải còn rất ít. Trong khi, khuôn viên của Trung tâm có hạn, quỹ đất dành để xây thêm bể nữa là rất khó.
Hơn nữa, việc xử lý chất thải y tế nguy hại theo cách này vừa tốn diện tích chôn lấp, lại khó cải tạo môi trường xung quanh. Trung tâm đã tính toán đến việc đầu tư công nghệ mới để xử lý chất thải nguy hại, xong chưa thể xúc tiến ngay được vì còn rất khó khăn về tài chính.
Đối với Bệnh viên Đa khoa tỉnh Điện Biên, đơn vị có phương pháp xử lý chất thải nguy hại tiên tiến hơn là sử dụng lò đốt 2 buồng. Tức là, rác thải nguy hại sau khi xử lý xong ở buồng đốt sẽ được chuyển sang buồng thứ cấp phun sương giảm thiểu khói bụi. Tuy nhiên, phương pháp xử lý này vẫn gây ra lượng khói bụi và mùi hôi làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Bởi vậy, khi dự án Ngân hàng thế giới (WB) triển khai tại tỉnh Điện Biên, Bệnh viên Đa khoa tỉnh đã được thụ hưởng công nghệ xử lý chất thải rắn nguy hại theo phương pháp mới. Đó là sử dụng lò hấp vi sóng nhiệt độ cao kết hợp với cắt nghiền chất thải sau tiệt trùng để trở thành rác thải thông thường.

Bác sĩ Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viên Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết: Ưu điểm của công nghệ này là không khói bụi, đảm bảo vệ sinh, an toàn môi trường cộng đồng. Một lần lò hấp có thể xử lý được 70kg rác thải rắn nguy hại. Thay vì trước kia, tất cả các chất thải rắn nguy hại được quản lý trong khuôn viên bệnh viện, thì nay sau khi sau hấp, nghiền, chất thải được tập kết để Công ty Môi trường đô thị thu gom và xử lý như loại rác thải thông thường.
"Hiện tại, Bệnh viện đang sử dụng song song 2 phương pháp xử lý chất thải nguy hại. Vừa sử dụng phương pháp tiệt trùng bằng lò vi sóng, cắt nghiền giảm thể tích và vừa sử dụng lò đốt hai buồng", Bác sĩ Trần Đức Nghĩa cho hay.
Với ưu điểm vượt trội của công nghệ xử lý chất thải rắn nguy hại bằng công nghệ tiệt trùng, Bệnh viên Đa khoa tỉnh Điện Biên đã được UBND tỉnh và ngành y tế Điện Biên giao nhiệm vụ xử lý toàn bộ lượng rác thải y tế nguy hại của bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Theo mô hình Cụm, rác thải y tế nguy hại sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường an toàn cho cộng đồng, nhất là khu vực TP. Điện Biên Phủ và các vùng lân cận.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã hoàn thành tập huấn quy trình và chuyển giao công nghệ vận hành mới; đồng thời, trang bị xe trở chuyên dụng để vận chuyển chất thải nguy hại từ các cơ sở y tế về khu xử lý cụm.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc