Hỗ trợ khách hàng
0918 072 181
Hỗ trợ kỹ thuật
0918 072 181
Mức độ độc hại, gây biến chứng và tử vong của nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn so với nhiễm khuẩn cộng đồng, chủ yếu do bệnh nhân đề kháng yếu và có nguy cơ tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn đa kháng thuốc chỉ có trong bệnh viện.
Theo như tin tức mới nhất về vụ việc 4 trẻ em tử vong ở Bắc Ninh, nguyên nhân đã được công bố là do nhiễm khuẩn bệnh viện. Nhiễm khuẩn bệnh viện có thể gây những biến chứng nguy hiểm, vì vậy việc hiểu đúng và phòng tránh là rất cần thiết.
Nhiễm khuẩn bệnh viện được định nghĩa là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian người bệnh điều trị tại bệnh viện và nhiễm khuẩn này không hiện diện cũng như không nằm trong giai đoạn ủ bệnh tại thời điểm nhập viện. Nhiễm khuẩn bệnh viện thường xuất hiện sau 48 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện.
Nhiễm khuẩn liên quan đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không chỉ là chỉ số chất lượng chuyên môn, mà còn là chỉ số an toàn của người bệnh, chỉ số đánh giá sự tuân thủ về thực hành của nhân viên y tế, chỉ số đánh giá hiệu lực của công tác quản lý và là một chỉ số rất nhạy cảm đối với người bệnh và xã hội.
Môi trường bệnh viện (không khí, đất, nước và nhân tố trung gian truyền bệnh) có ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện. Sự tương tác giữa vật chủ (bệnh nhân, nhân viên y tế...), vi sinh vật và môi trường bệnh viện có ý nghĩa quyết định đến tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện.
Chu trình nhiễm khuẩn bệnh biện (Ảnh: Bệnh viện Quân Y 103).
Tổ chức Y tế Thế giới WHO đánh giá, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7%-19,1%. Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỷ lệ tử vong. Nhiễm khuẩn bệnh viện cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế. Nguyên nhân là do chưa đủ nguồn lực cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, cơ sở hạ tầng còn kém phát triển, bệnh viện quá tải, đánh giá về sự nguy hiểm của nhiễm khuẩn bệnh viện còn chưa đúng mức.
Đôi khi biến chứng của nhiễm khuẩn bệnh viện còn nặng hơn chính bênh mà bệnh nhân mắc phải.
Tại Việt Nam, đã có ba cuộc điều tra cắt ngang mang tính khu vực do Vụ Điều trị Bộ Y tế (nay là Cục Quản lý khám chữa bệnh) đã được thực hiện. Điều tra năm 1998 trên 901 người bệnh trong 12 bệnh viện toàn quốc cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 11.5%; trong đó nhiễm khuẩn vết mổ chiếm 51% trong tổng số các ca nhiễm khuẩn. Điều tra năm 2001 xác định tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 6.8% trong 11 bệnh viện và viêm phổi bệnh viện là nguyên nhân thường gặp nhất (41.8%). Điều tra năm 2005 tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện trong 19 bệnh viện toàn quốc cho thấy là 5.7% và viêm phổi bệnh viện cũng là nguyên nhân thường gặp nhất (55.4%).
Theo các chuyên gia y tế, biện pháp đơn giản và ít tốn kém nhất để phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện là vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, cũng cần phải thực hiện nghiêm ngặt các kỹ thuật vô khuẩn với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi…
Ngoài ra đối với các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm hoặc nghi ngờ có nguy cơ lây truyền bệnh, cần được nằm ở phòng cách ly. Bơm, kim tiêm, các loại ống thông, ống hút, đồ dùng cá nhân... dùng riêng cho từng bệnh nhân và quản lý chất thải, xử lý rác thải y tế tốt cũng là cách không để mầm bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng.
Kháng sinh cũng hữu hiệu để chống nhiễm trùng bệnh viện đối với nhiễm trùng ngoại và nội khoa. Đặc biệt với nhiều loại phẫu thuật có nguy cơ rủi ro cao, nếu biết dùng đúng kháng sinh sẽ có tác dụng tốt trong việc chống lại nhiễm khuẩn bệnh viện. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc đang khiến cho tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn gia tăng, xuất hiện nhiều loại vi khuẩn đa kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị. Mỗi khi kháng được một loại kháng sinh, vi khuẩn trở nên nguy hiểm hơn.
0918 072 181
0918 072 181