CÔNG TY CP GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG NHẤT TINH

Cung cấp giải pháp pháp xử lý rác thải lây nhiễm tự động-an toàn

Nước thải y tế nguy hiểm xả thẳng ra môi trường

Thứ 6, 25/08/2017, 09:52 GMT+7

Vấn đề xử lý rác thải y tế hiện nay vẫn còn nhiều “lỗ hổng” đáng lo ngại. Chỉ riêng tuyến trung ương đã có đến gần 40% bệnh viện chưa có hệ thống nước thải y tế đạt yêu cầu. Đặc biệt nguy hiểm khi nước thải bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến dịch bệnh cho người qua nguồn nước, qua các loại rau được tưới bằng nước thải. Bộ Y tế vừa tổ chức Hội thảo Góp ý cơ chế thuê dịch vụ xử lý chất thải y tế nguy hiểm với nhiều vấn đề liên quan đến chất thải y tế được đặt ra.

nước thải y tếĐáng lo ngại
Tại Tờ trình của Bộ Y tế về xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế gửi Thủ tướng Chính phủ, cơ quan này đã dẫn chứng số liệu thống kê báo cáo từ các tỉnh, TP về công tác quản lý chất thải y tế nguy hiểm cho thấy hiện có 97% cơ sở y tế tuyến Trung ương; 71,2% cơ sở y tế tuyến tỉnh; 78,4% cơ sở y tế tuyến huyện thực hiện xử lý chất thải rắn y tế đạt yêu cầu về môi trường. Với nước thải y tế, 62% bệnh viện tuyến Trung ương; 59,3% cơ sở y tế tuyến tỉnh; 65,9% cơ sở y tế tuyến huyện thực hiện xử lý nước thải đạt yêu cầu môi trường.
Theo Đề án 2038 (Đề án tổng thể chất thải y tế nguy hiểm giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020), mục tiêu ngành Y tế đặt ra là đến năm 2020 đảm bảo 100% các cơ sở y tế ở các tuyến từ Trung ương đến địa phương thực hiện xử lý chất thải y tế bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại mới có khoảng 400 BV công lập có nhu cầu đầu tư mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình xử lý nước thải y tế.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Cả nước hiện có 13.000 cơ sở y tế. Trong số này khoảng 60% cơ sở đã có hệ thống xử lý chất thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn, 40% còn lại vẫn chưa đạt, đây là một con số rất lớn. Đầu tư kinh phí rất lớn nhưng nguồn lực đầu tư cho công tác này chưa được như mong muốn, còn khiêm tốn. Ý thức, trách nhiệm, đặc biệt những tồn tại trong quá trình vận hành như tiết kiệm, hạn chế đầu tư, kiểm soát không chặt chẽ từ thủ trưởng các bệnh viện, coi việc này như việc phụ và chưa quan tâm đúng mức. Chưa huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào công tác này”.
“Riêng chất thải lỏng hiện rất ít cơ sở y tế huy động được nguồn lực, thuê dịch vụ tham gia xử lý. Với mục tiêu đảm bảo tất cả chất thải lỏng bệnh viện khi xả thải ra ngoài đều phải được qua xử lý, Bộ Y tế xây dựng dự thảo Quyết định này, trên nguyên tắc huy động nguồn lực vào quản lý và chất thải y tế nguy hiểm. Bộ Y tế đã xin ý kiến các bộ ngành về dự thảo, hội thảo được tổ chức để xin ý kiến lần cuối trước khi trình Thủ tướng Chính phủ”- Thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Nhìn vào con số như trên, thì không biết bao nhiêu khối lượng chất thải, nước thải chưa qua xử lý đã được xả thẳng vào môi trường. Theo các chuyên gia y tế, nước thải bệnh viện là sự lan truyền rất mạnh các vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt nguy hiểm là nước thải từ những bệnh viện chuyên các bệnh truyền nhiễm. Những nguồn nước thải bệnh viện này là một trong những nhân tố cơ bản có khả năng lan truyền vào nước thải những tác nhân truyền nhiễm qua đường tiêu hóa và làm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt nguy hiểm khi nước thải bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến dịch bệnh cho người và động vật qua nguồn nước, qua các loại rau được tưới bằng nước thải.

Đề xuất thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế theo nhiều hình thức
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân chủ yếu của việc không hoàn thành mục tiêu của Đề án 2038 là do thiếu kinh phí đầu tư xây dựng công trình nước thải y tế. Mặt khác kinh phí đầu tư xây dựng nước thải y tế rất lớn, khoảng từ 10 đến 30 triệu đồng/1m3 nước thải tùy theo quy mô và công nghệ.
Trung bình một bệnh viện tuyến tỉnh đầu tư công nghệ xử lý nước thải y tế công nghiệp cũng phải hàng chục tỷ đồng. Nếu đầu tư công nghệ của nước ngoài có thể lớn hơn rất nhiều lần. Trong khi đó kinh phí đầu tư cho các cơ sở y tế công là do Nhà nước đầu tư.
Bên cạnh đó sau khi đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải y tế, các cơ sở y tế phải bố trí kinh phí, nhân lực để vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, thường xuyên công trình xử lý nước thải y tế. “Rất nhiều bệnh viện hiện nay không tự chủ hoàn toàn về tài chính, do đó không có đủ kinh phí để vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình xử lý nước thải y tế”, đại diện Cục Quản lý môi trường y tế nêu.
Mục tiêu đến năm 2020, 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hiểm đạt yêu cầu về môi trường. Muốn vậy, Bộ Y tế cho rằng cần cơ chế đặc thù về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế bởi thực hiện theo nghị định 15 hiện nay thì đa số cơ sở y tế không thể thực hiện được.
Hiện Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ban hành cơ chế chính sách đặc thù về xử lý chất thải y tế và xây dựng nội dung dự thảo Quyết đinh, dự thảo Tờ trình Quyết định. Theo dự thảo Quyết định này, các bệnh viện công lập trên cả nước sẽ được phép thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế theo nhiều hình thức (phân theo 3 nhóm bệnh viện) bảo đảm yêu cầu về chất lượng dịch vụ, nước thải đầu ra sau xử lý phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Kinh phí chi trả thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế tại các bệnh viện công tự chủ sẽ do bệnh viện tự chi trả và được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Với các bệnh viện chưa tự chủ được sẽ do ngân sách và nguồn kinh phí khác chi trả. Hoạt động thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế sẽ chịu sự giám sát, theo dõi, kiểm tra, đánh giá định kỳ của cơ quan quản lý chuyên ngành về bảo vệ môi trường y tế và các cơ quan liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, UBND các tỉnh/thành phố.

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc